"Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà ươm cho đời đầy trái ngọt hoa thơm”
"Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều"
Hòa trong không khí hân hoan hướng về Ngày nhà giáo Việt nam 20/11, ngày mà cả nước tri ân, tôn vinh sự cống hiến miệt mài của các thầy, cô giáo, trong buổi giới thiệu sách hôm nay, thư viện trường xin giới thiệu đến quý thầy và các em cuốn sách “Chuyện kể về Thầy trò thời xưa”. Cuốn sách dày 77 trang, in trên khổ 19 x 21 cm là tuyển tập 29 câu chuyện dân gian về thầy trò do Giáo sư Kiều Thu Hoạch tuyển chọn, được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2015.
Đến với cuốn sách, chúng ta sẽ bắt gặp các câu chuyện được kể ngắn gọn, súc tích với giọng văn sinh động, hài hước, hình minh họa ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi học trò. Cuốn sách giúp độc giả hình dung về giáo dục của cha ông ta thời trước, qua đó nuôi dưỡng niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm trong việc dạy và việc học hôm nay, với tư cách kế thừa và tiếp nối truyền thống dân tộc.
Các câu chuyện được tuyển chọn theo tiêu chí bám sát lịch sử, khắc họa và làm sinh động thêm những danh nhân văn hóa - lịch sử trong lịch sử dân tộc như Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Chính vì tài năng, phẩm chất của họ đã trở thành tiêu biểu của dân tộc mà những giai thoại, dã sử về cuộc đời nói chung và việc dạy việc học nói riêng của mỗi người cũng được nhân dân trân trọng lưu truyền như những tấm gương mẫu mực cho hậu thế. Vì thế, cuốn sách không phải chỉ là những bài học đạo đức chung chung, mà còn là những bài học lịch sử thuyết phục của những người đi trước.
Bên cạnh đó, cuốn sách là một bức tranh phác họa về một xã hội Việt Nam xưa. Đó là những người nông dân nghèo khó nhưng luôn có ý chí học tập vươn lên thay đổi cuộc đời. Đó còn là sự thượng tôn giáo dục, đạo học cao hơn cả đẳng cấp trong xã hội, dù làm vua chúa hay quan chức cũng vẫn phải kính trọng thầy.
Những tích truyện như quan Hành khiển Phạm Sư Mạnh về thăm thầy Chu, ngựa xe làm huyên náo cả vùng bị thầy quở trách, lần sau chỉ dám mặc áo thâm, đi một mình để giữ lễ thầy trò; lời dạy của ông lão dạy cậu học trò Cao Bá Quát “bể học không bờ, siêng năng là bến”; hay triết lý học của Hải Thượng Lãn Ông “đọc sách biết nghĩa là khó, nhưng biết nghĩa cũng không khó bằng tìm ra và phân biệt được lí, mà thấy rộng được ngoài lí lại càng khó hơn”… tuy ngắn gọn nhưng lại vô cùng sâu sắc, thấm thía. Đọc và suy ngẫm những triết lý giáo dục ấy để thấy rằng dù thời gian có chảy trôi, dù cuộc đời có bao nhiêu biến đổi nhưng những bài học về giáo dục, về cách sống, cách làm người mà các thầy ngày xưa đã dạy vẫn luôn sống mãi và vẹn nguyên giá trị.
Thầy cô vẫn thế, ngày ngày đón đưa từng chuyến đò qua sông không quản nắng mưa sương gió, mà đâu hay mái tóc đã ngả màu phôi pha vì bụi phấn, đâu hay tháng năm đã hằn sâu trên khuôn mặt, khoé mắt cô thầy. Trong mắt học trò, chiếc bảng đen, viên phấn trắng vừa là trí tuệ, vừa là chữ tâm, là đức độ của người thầy. Những bài học làm người quý giá ấy, chúng ta luôn khắc cốt ghi tâm vì đó sẽ là hành trang theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Nhờ sự bảo ban, chăm sóc của thầy cô, chúng ta được khôn lớn trưởng thành thành năm tháng. Thầy cô dạy cho chúng ta biết nâng niu một nhành hoa, biết yêu một tiếng chim ca buổi sớm, chỉ cho chúng ta biết giá trị của một lời chào, vẻ đẹp của nụ cười, sự ấm áp của tình yêu thương...
Lật từng trang sách các em sẽ được hiểu thêm về những cống hiến của họ mời các bạn hãy đến với thư viện trường để tìm đọc cuốn sách hay và bổ ích.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích và rất có giá trị. Hãy đọc để hiểu thêm hơn về công việc thầm lặng của các thầy cô giáo. Và chúng ta hãy giữ gìn và phát huy truyền thống. Tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam .Cuối cùng kính chúc các thầy Cô giáo mạnh khoẻ. Chúc các em một tuần học mới đầy năng lượng.