Có lẽ đối với tôi, những chuyến đi thực tế về nguồn luôn để lại những kỉ niệm đáng nhớ và cả những bài học bổ ích mà cuộc đời sinh viên không thể quên được. Chuyến đi thực tế ra miền Bắc của tôi vào dịp đầu tháng 05 năm 2011 cũng là một chuyến đi như thế. Đối với tôi, đây là chuyến đi thực tế đầu tiên về nguồn, là lần trải nghiệm đầy lí thú, hứa hẹn những kỉ niệm khó quên. Tôi háo hức đón chờ ngày được về thực tế tại những địa danh đã in vào sách vở, quê hương của những danh nhân nổi tiếng.
Nghệ Tĩnh – mảnh đất địa linh nhân kiệt
Điểm dừng chân
đầu tiên của cuộc hành trình là khu di tích Nguyễn Du. Tôi đến viếng khu di
tích Nguyễn Du vào một buổi chiều mùa xuân, trời hưng hửng nắng càng gợi lên
trong tôi một cảm xúc khó tả. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy ở đây quen
thuộc lắm. Bồi hồi, xúc động, thành kính và thiêng liêng bởi tôi biết
rằng tôi đang được đến với Nguyễn Du, đến với nơi mà Nguyễn Du đã từng sống và
sáng tác. Lúc này tôi như được trở về quê hương, tuổi thơ của mình, được đắm
chìm trong những áng văn thơ của đại thi hào mà trước đó chỉ biết đến qua từng trang sách vở, qua những buổi
học ở giảng đường.

( Đại thi hào Nguyễn Du)
Kết thúc cuộc
viếng thăm khu di tích Nguyễn Du, tôi rời Hà Tĩnh vào lúc 18h00 để tiếp tục
cuộc hành trình. Điểm dừng chân cuối cùng trong ngày đầu tiên đi thực tế là
thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An. 7h30 sáng ngày 29/5/2011, tôi xuất phát, tạm
biệt thành phố Vinh, tôi hướng về quê nội và quê ngoại của Bác.
Con đường dẫn về làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác) và làng
Sen (quê nội Bác) uốn lượn giữa cánh đồng lúa xanh mượt. Gió tháng hai đưa
hương lúa thơm nồng lan toả khắp nơi, phả vào mặt tôi mát rượi. Lạ thay, miền
quê quanh năm chịu hứng bao khắc nghiệt của thời tiết nhưng lại mang một vẻ trù
phú mỡ màu. Đây đó, lấp ló những mái ngói giữa các lùm cây, con đường quê mát
rượi bóng râm, đàn bò thong dong gặm cỏ...
Bước chân về làng Hoàng Trù, làng Sen mà như đang bước
chân về quê vậy. Ngay từ con đường vào nhà chúng tôi đã thấy rất thân quen, bờ
tre, hàng dâm bụt, hoa cau, hoa bưởi thơm nồng, con đường đất nhỏ đơn sơ mộc
mạc, đặc biệt là mái nhà tranh in dấu ấn thời gian nhưng không hề bị xiêu vẹo.
Mọi kỷ vật vẫn còn nguyên vẹn, án thư nơi cụ thân sinh
Bác vẫn thường dạy cho các con học, khung cửi nơi mẹ Hoàng Thị Loan vẫn ngồi
dệt vải, phản gỗ nơi các nhà nho yêu nước thường đến bàn chuyện thời cuộc nước
nhà với cụ Nguyễn Sinh Sắc...

(Những kỉ vật còn nguyên vẹn)
Có lẽ điều để lại trong tôi nhiều ấn tượng và xúc động
mạnh mẽ nhất là những cô hướng dẫn viên du khách tham quan. Tất cả các cô đều
là con gái xứ Nghệ, nói chất giọng Nghệ trong trẻo mà ngọt ngào ấm áp, sâu lắng
như nước dòng sông Lam. Các cô kể về gia cảnh nhà Bác, về thuở thiếu thời,
về cả cuộc đời thanh cao vĩ đại của Bác bằng chất giọng sâu lắng ấm áp ấy một
cách rất tự nhiên, như đang kể cho chúng tôi về một người thân trong gia đình
mình vậy: “Đây là cái án thư, nơi cha Bác
thường dạy mấy anh em học chữ, đây là cái sập gỗ nơi cha Bác thường bàn chuyện
nước nhà với các bậc cha chú....”

( Quê
ngoại Bác Hồ)
Chúng
tôi số người trong đó
có tôi đã không ngăn được những giọt nước mắt xúc động khi nghe kể vể cuộc đời
bôn ba gian khổ và tấm lòng hy sinh vì dân vì nước cao cả của Bác. Không một ai
phải nhắc nhở, mà cũng chẳng ai trong số khách tham quan nói ra, nhưng mọi
người đều cảm nhận mình đang ở một nơi rất thiêng liêng nhưng lại rất đỗi mộc
mạc thanh bình - chúng tôi đang được ở quê Bác.
Hà Nội – niềm
tin yêu hy vọng của núi sông
Rời
quê Ngoại và quê Nội của Bác với sự lưu luyến và tiếc nuối, tôi lại tiếp tục
cuộc hành trình khám phá và tìm hiểu du lịch thực tế các tỉnh phía Bắc. Tôi đến
Thủ đô Hà Nội vào buổi chiều nhạt nắng. Xe bắt đầu vào thành phố, những toà cao
ốc vươn thẳng lên bầu trời, và những dòng xe nườm nượp xung quanh khiến tôi đã
thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp trù phú nhưng hữu tình đó của Thủ đô, lòng tôi
dâng lên một niềm tự hào khôn tả, tôi chợt nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Phan Nhân:
“Hà Nội đó, nhiềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau…”. Vì
vậy, nhắc tới Hà Nội, là công dân Việt Nam sẽ không ai không khỏi tự hào và
thấy mến yêu thành phố - Thủ đô vừa hiện đại vừa cổ xưa, vừa náo động nhưng
cũng rất nên thơ này.
Bước
chân vào nội thành Hà Nội, điểm tham quan đầu tiên của tôi là Văn Miếu -
Quốc Tử Giám. Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam Hà Nội, là tổ hợp gồm hai di tích
chính là Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, thuộc
đời Lý Thánh Tông. Đây là nơi dùng để thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho
giáo và người thầy tiêu biểu cho nền giáo dục Việt Nam - Chu Văn An.
Sau
khi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi đến thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nằm nghiêm
trang giữa Quảng trường Ba Đình, từ lăng Bác không gian sáng lên một sắc vang
tinh khiết, đó là ánh mặt trời chiếu rọi lúc sớm mai, hay là ánh sáng toả ra từ
một con người vĩ đại?
Men theo các bậc tam cấp được rải thảm đỏ, chúng tôi hoà cùng dòng người đi
trong yên lặng và tiếc thương. Không khí lạnh bao trùm càng làm chúng tôi cảm
nhận rõ hơn sự mất mát và nỗi đau âm dương cách biệt khi tổ quốc ta mất đi vị
cha già, khi thế giới vắng đi một con người vĩ đại. Dòng người vẫn đi, những
bậc tam cấp cuối cùng cũng kết thúc, trước mắt chúng tôi hiện ra một căn phòng
rộng, và Bác nằm đó, bình yên, thanh thản, nụ cười hiền hậu vẫn hiện trên
khuôn mặt nhân từ. Tôi đã không dấu nổi niềm xúc động khi lần đầu tiên
được nhìn thấy Bác. Sau bao nhiêu năm mơ ước tôi đã được nhìn thấy Bác Hồ, và
khi gần Người đến vậy, tôi mới hiểu hết câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Bác
sống như trời đất của ta…” Như non sông, như trái đất này, Bác vẫn còn sống
mãi, vì trong trái tim mỗi con người Việt Nam và trong trái tim bạn bè thế
giới, Bác Hồ vẫn luôn tồn tại.
Ngoài những địa danh đã
nhắc đến ở trên, Hà Nội vẫn còn rất nhiều điểm tham quan thú vị như Hồ Hoàn
Kiếm, Hồ Trúc Bạch, Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu thành
cổ, Đền Bạch Mã, Đền Quán Thánh… Và nếu còn có một dịp khác đến với miền bắc,
với Thủ đô, tôi sẽ đi tìm hiểu thêm những danh thắng nổi tiếng này.
Thời gian trôi
qua thật nhanh, một tuần thực tế tôi đã trải qua với bao nhiêu kỉ niệm đáng nhớ
của mỗi người. Cảm ơn chuyến đi thực tế, cảm ơn mảnh đất và con người ở miền Bắc
đã cho chúng tôi những kỉ niệm khó quên, những bài học bổ ích và đáng nhớ.
Trong suốt gần một tuần đi thực tế các tỉnh phía Bắc, những gì tôi được xem,
được nghe, được thấy thật sâu sắc và bổ ích.
Cuối cùng, tôi xin mượn
câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để tóm lại những ấn tượng của mình trong suốt hành
trình thực tế:
Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát.
Chuyến phà rào
rạt bến nước Bình Ca../.